Hãy trả lại sự cao sang cho tiếng Việt

tieng Viet
Ngày học phổ thông tôi từng đọc qua bài “hãy giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”. Tôi đồng ý, nhưng giờ tôi nâng cấp lên, không chỉ cần trong sáng, mà còn cần phải cao sang. Với bề dày lịch sử cùng vị trí địa lý là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, từ Bắc Á, Nam Á, Đông Nam Á, rồi Tây phương,  dễ hiểu vì sao văn hóa Việt Nam nói chung và Tiếng Việt nói riêng lại rất phong phú và đa dạng .Thế mà không hiểu vì sao, do vô tình hay hữu ý, cả báo chí lẫn truyền thông, đều đang sử dụng những từ ngữ quá ư là tầm thường, thậm chí còn chẳng có nghĩa.

Ví dụ như từ “phượt”. Nói đến từ phượt thì ai cũng hiểu là ám chỉ những người đi du lịch tự túc, bằng phương tiện tự thân. Thế nhưng xin hỏi nghĩa của nó là gì? Trên các cuốn từ điển đã xuất bản đều không có từ này. Nếu tra online thì sẽ thấy “không có dữ liệu” hoặc “dữ liệu đang cập nhật”. Vấn đề ở đây là nếu chúng ta không có từ để miêu tả thì dùng tạm, du nhập vào... nhưng từ điển chúng ta có mà, thậm chí nghe còn rất sang: Du ngoạn, ngao du. Nghĩa của nó rất rõ ràng, nghe lại rất sang, vậy mà sao không dùng? Đi dùng cái từ “phượt” chẳng ra gì, sai cả từ lẫn ngữ (nghĩa), nghe thì quá tầm thường.


Ngày trước chúng ta vẫn dùng “Thành Ủy/Tỉnh Ủy”, nghe ngắn gọn mà ai ai cũng hiểu. Rồi người ta đổi thành “Ủy ban nhân dân tỉnh/ thành phố”. Đổi như vậy thì không sai, nhưng sao phải đổi? Trong khi nó không hay hơn, lại dài lê thê để đến nỗi phải viết tắt thành UBND. Nếu vậy thì “tiểu đội, trung đội...” sẽ dịch lại thành “đội quân nho nhỏ, đội quân vừa vừa..., nghe có buồn cười không ạ? Rất may gần đây người ta đã quay lại cách gọi xưa. Dù vẫn dùng song song hai cách gọi nhưng ít ra cũng tốt hơn.

Rồi “hàng không mẫu hạm” hay “tàu sân bay”?. Hai từ ngày thì cùng một nghĩa (kể cả có tra từ điển) nhưng rõ ràng từ trước thì sang hơn từ sau rất nhiều. Và với quan điểm cá nhân tôi, thì “hạm” khác với “tàu”. “Hạm đội biển Đông Việt Nam” hay “Đội tàu biển Đông Việt Nam”? Đội tàu dùng cho bọn tàu cá ngụy trang của Trung Quốc thì xem ra hợp lý hơn.

Tôi có quen một số Việt Kiều Mỹ, họ vẫn dùng từ “Mỹ kim” để nói về đô la Mỹ. Đúng là trên đồng tiền Mỹ nó ghi “dollar” nên gọi đô la Mỹ thì không sai. Nhưng một bên là không sai và một bên là hay, sao ta không chọn cái hay? “Triệu phú đô la có hàng triệu Mỹ kim” và “triệu phú đô la có hàng triệu đô la”; khi nào đô la, khi nào Mỹ kim, đó là cái hay của ngôn từ vậy.

Còn “Nhà Trắng”, trước 1975 người Sài Gòn thường gọi là Bạch Lầu, báo chí thì dùng từ “Bạch Ốc” hay “Bạch Cung”. Đồng ý tên gốc tiếng Anh của nó chỉ có một là “White House”, nhưng dịch như thế nào là do chúng ta (bởi tiếng Việt là của chúng ta mà). Và ở đây, “lầu, ốc, cung” thì rõ ràng là cao sang hơn cái “nhà”, cũng thể hiện được cái tầm của nó. Và càng cho thấy sự phong phú của Tiếng Việt chứ không chỉ có mỗi cái “house” như họ.

Đến đây thì sẽ xuất hiện tranh cãi, sẽ có người bảo tôi đang lạm dụng tiếng của người Hán. Nếu là của người Hán, bạn thử tìm một nguời Trung Quốc và nói “Bạch Cung”, “Bạch Ốc” xem họ có hiểu không. Chắc chắn là không, mà không hiểu tức không phải tiếng của họ, và không phải là đúng rồi, vì đó là từ Hán Việt, xuất phát từ Hán và thuần hóa thành Việt. Như cây cà phê Pháp mang từ Nam Mỹ sang ta trồng, giờ thuần hóa rồi, thì nó là cà phê Việt Nam, chứ không phải cà phê Nam Mỹ. Hay như chữ Nôm, là hệ chữ Hán, nhưng nó là chữ của Người Việt. Và bây giờ chữ quốc ngữ thuộc hệ La tinh, nhưng chữ quốc ngữ không phải chữ La tinh, nó là chữ của chúng ta.

Ai đó nói “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, nhưng tôi thích cái sự “bão táp” đó. Câu chữ cao sang, ý tứ hàm súc, hay là hay ở cái “bão táp” đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét